MỨC TIÊU THỤ KEM LẠNH CỦA NGƯỜI VIỆT?

Posted by gelato | January 3, 2018 | TẤT CẢ BÀI VIẾT, TIN TỨC & BLOG

Người Việt chi gần 8 tỷ đồng để ăn 73 tấn kem mỗi ngày

Ngành kem và thực phẩm tráng miệng làm từ sữa chứng kiến sự tăng trưởng về sản lượng bán lẻ ở mức 7% và giá trị bán lẻ trong năm 2017 hiện là 15%, đạt 26.600 tấn và 3.032,9 tỷ đồng, tức gần 73 tấn kem và 8 tỷ đồng mỗi ngày.

Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor cho biết, sản lượng bán lẻ kem và thực phẩm tráng miệng thị trường Việt Nam trong năm 2017 ước tính đạt 26.600 tấn, tăng 7% so với năm ngoái.

Trong năm nay, ngành kem và thực phẩm tráng miệng làm từ sữa đạt mức tăng trưởng về giá trị bán lẻ 15%, cao hơn 1% so với năm 2016. Euromonitor lý giải tăng trưởng này có được là do thu nhập người dân tăng, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng cao và sử dụng các sản phẩm cao cấp hơn.

Giá bán bình quân trong ngành kem và thực phẩm tráng miệng làm từ sữa tiếp tục tăng lên trong năm 2016 và 2017 do tình hình lạm phát, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng như nhân công và sự trượt giá của tiền đồng cũng như xu hướng cao cấp hóa sản phẩm đang tăng lên.

Kem Ý home made dần chiếm thị phần kem lạnh tại Việt Nam

Hương vị sô cô la tiếp tục là mùi vị kem phổ biến nhất trong năm 2017, tiếp đến là mùi dâu và vanilla. Tuy nhiên, cho đến tới giai đoạn cuối soát xét thì hương vị trà xanh trở thành phổ biến và được người tiêu dùng đánh giá ở vị trí thứ 4. Ngoài ra, người tiêu dùng ngày càng quen thuộc với các món kem được phủ hoặc pha trộn với các loại hạt.

Do ảnh hưởng của văn hóa Nhật Bản, kem hương vị trà xanh dần chiếm lĩnh thị trường. Doanh số bán hàng của dòng sản phẩm này trong năm nay chỉ xếp sau những hương vị truyền thống như chocolate, vani… Nhiều doanh nghiệp đầu ngành như Vinamilk, Nestlé Việt Nam cũng nhanh chóng bổ sung hương vị này vào danh mục sản phẩm. Các sản phẩm mới được sự báo sẽ tác động lớn đến cục diện của ngành kem bởi cả hai công ty này đều sở hữu thương hiệu tốt và mạng lưới phân phối rộng khắp toàn quốc.

Trà xanh Nhật Bản (Matcha) là vị kem thường có trong menu ở cửa hàng kem cao cấp hiện nay

Kem que tiếp tục dẫn đầu xu hướng tiêu dùng với giá cả hợp lý và quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam, tiếp đến là kem ốc quế. Ngoài ra, kem ly cũng trở lên phổ biến nhờ vào mức độ tiện lợi của sản phẩm.

Theo báo cáo Euromonitor, Tập đoàn KIDO vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu ngành kem và thực phẩm tráng miệng làm từ sữa trong thời điểm cuối giai đoạn soát xét, với thị phần 38% và 40% trong năm 2016 và 2017. Trong đó, nhãn hiệu Merino và Celano lần lượt chiếm khoảng 22% và 15% thị phần.

Tiếp theo là kem của Vinamilk với thị phần năm 2016, 2017 lần lượt là 9,5% và 9,1%. Kem của Unilever đứng thứ 3, với thị phần năm 2016, 2017 lần lượt là 8,6% và 8,4%.

Các doanh nghiệp nội địa tiếp tục dẫn đầu ngành kem và thực phẩm đông lạnh trong năm 2017. Tuy nhiên, sự cạnh tranh từ các thương hiệu kem nước ngoài như Cornetto, Paddle Pop, Haagen-Dazs và New Zealand Natural bắt đầu gia tăng đáng kể, đặc biệt ở các thành phố lớn như TP HCM, nơi mà người tiêu dùng đang ưa chuộng những sản phẩm ở phân khúc cao cấp có chất lượng cao.

Thế Trần

(Theo Kiến Thức Trẻ)

 

Add a comment

*Please complete all fields correctly